Được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 1954, đến nay, trường THPT Vũng Tàu đã bước sang tuổi 58. Trên hành trình hơn nửa thế kỷ ấy, trường THPT Vũng Tàu đã trở thành một mái nhà nuôi dưỡng những ước mơ, hoài bão, nơi ghi dấu biết bao kỷ niệm của các thế hệ thầy và trò. Trong bước đường trưởng thành đó, thầy và trò nhà trường đã vượt qua nhiều khó khăn, tạo dấu ấn riêng và trở thành một trong những lá cờ đầu của ngành GD-ĐT tỉnh BR-VT.
Trường trung học Vũng Tàu xưa |
Những nền móng đầu tiên
Trường THPT Vũng Tàu trước năm 1954 chính là trường tiểu học Thắng Tam ngày nay. Vào thời điểm ấy, Vũng Tàu mới chỉ có trường tiểu học. Vì vậy, học xong tiểu học, một số ít học sinh lên Sài Gòn học tiếp, còn lại đa số phải thôi học vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhưng phần lớn vẫn là do địa phương chưa có trường trung học. Bức xúc trước điều kiện học hành của con em mình, hiệu trưởng trường tiểu học Thắng Tam và nhân dân địa phương đã cùng vận động thành lập trường. Theo đó, đến năm học 1954- 1955, ngay trong khuôn viên trường tiểu học Thắng Tam có thêm những phòng học dành cho lớp trung học đệ nhất cấp đầu tiên – tương đương bậc THCS. Số lượng học sinh trung học nhanh chóng tăng lên, trường lớp cũng bắt đầu được mở rộng. Hơn 10 năm sau, tức năm 1965, bậc tiểu học của trường tiểu học Thắng Tam chính thức tách khỏi trung học VT. Cũng từ năm học 1964-1965, trung học đệ nhất cấp VT được nâng cấp thành Trung học đệ nhị cấp – tương đương bậc THPT. Kể từ đó, số học sinh theo học tại trường trung bình mỗi năm có từ 2000 - 2500 em.Năm 1991, tỉnh BR-VT được thành lập, cũng là năm trường THPT Vũng Tàu chuyển từ số 28 Thống Nhất, phường 1 về số 163/32 Lê Hồng Phong, phường 8. Đến năm 1998, tuy trường được xây thêm 1 dãy phòng học 3 tầng với 18 phòng học, thế nhưng qui mô của trường vẫn nhỏ, phòng ốc vẫn thiếu đồng bộ.
Ông Trần Văn Tư, nguyên hiệu trưởng Trường THPT Vũng Tàu nhớ lại: Khó khăn nhất vẫn là cơ sở vật chất. Trường dột nát, bàn ghế thì thiếu thốn, đặc biệt là trang thiết bị thì hầu như không có gì, lực lượng giáo viên còn yếu. Một khó khăn nữa của trường lúc đó là phải thực hiện dạy và học theo chương trình phân ban trong khi đội ngũ giáo viên cũng như học sinh còn chưa có kinh nghiệm cũng như khả năng để tiếp nhận phương pháp mới này.
Quyết tâm xây dựng trường THPT Vũng Tàu trở thành một trường hiện đại, đạt chuẩn quốc gia xứng đáng với tầm vóc, uy tín của trường, cuối năm 1999, tỉnh đã tìm một vị trí mới để xây dựng trường. Công trình được khởi công và hoàn thành tại số 9, đường Thi Sách, phường 8. Trường mới có cơ sở vật chất gồm 48 phòng học, 9 phòng thí nghiệm, thực hành, vi tính, nghe nhìn; khu thể thao gồm hồ bơi, sân bóng, nhà thi đấu đa năng; khu hiệu bộ và hội trường lớn trên 400 chỗ ngồi. Lúc này trường có 47 lớp, với hơn 2000 học sinh và 123 cán bộ - giáo viên- công nhân viên. Đội ngũ giáo viên có 114 người, đều đạt chuẩn và có 10% trên chuẩn. So với năm học 1991-1992 số lớp, số học sinh và CB-GV-CNV đều gấp hơn 2 lần.
Lễ họp mặt kỷ niệm 23 năm niên khoá 1984-1987 |
Trường THPT Vũng Tàu được biết đến nhiều, nhắc đến nhiều không chỉ bởi đây là ngôi trường THPT đầu tiên của TP. Vũng Tàu, của tỉnh BR-VT, mà quan trọng hơn là truyền thống dạy tốt, học tốt đã được thầy và trò nhà trường duy trì trong bao năm qua. Đặt viên gạch đầu tiên cho truyền thống tốt đẹp ấy, trước hết là đội ngũ những thầy giáo, cô giáo tâm huyết với sự nghiệp trồng người. 58 năm qua, biết bao nhiêu thế hệ thầy cô giáo đã gắn bó, tận tâm, tận lực, coi trường là nhà, coi học trò là con cháu, lấy sự tiến bộ của học trò làm niềm hạnh phúc, tự hào của mình…
Cô Lê Thị Bích Đào, một trong những giáo viên gắn bó với nhà trường gần nửa đời người chia sẻ: Ba mươi mấy năm gắn bó với trường, nơi đây giống như là ngôi nhà thứ 2 của tôi vậy. “Chứng kiến từng thế hệ học sinh lớn lên, dùi mài kiến thức; có em sau khi thành tài đã tiếp tục quay trở lại trường nối nghiệp thầy cô, góp phần xây dựng ngôi trường cũ của mình. Nhìn thấy ngôi trường ngày càng to, đẹp, khang trang với nhiều thế hệ học trò làm rạng danh cho trường, cho lớp trong sự đổi mới của quê hương, đất nước tôi thấy vui và hạnh phúc lắm. Nhưng để đáp ứng được sự trưởng thành và hiện đại của trường thì bản thân đội ngũ giáo viên chúng tôi cũng phải tự hoàn thiện mình để sao cho đáp ứng được nhu cầu giáo dục của đất nước”, cô Đào chia sẻ.
Để từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, các thầy cô giáo nhà trường là những người tiên phong trong việc thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin. Từ năm học 2001-2002, 100% giáo viên trường có thể thiết kế giáo án điện tử, dạy học qua máy chiếu Projector. Nhiều giáo viên còn khẳng định hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin tại các hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, được chọn dạy thể nghiệm trong các hội nghị chuyên đề, hội thảo khoa học về ứng dụng công nghệ thông tin…Một thế mạnh khác của giáo viên THPT Vũng Tàu là không ngừng tăng cường phương pháp giáo dục trực quan. Hoạt động thí nghiệm chứng minh, thí nghiệm thực hành ở tất cả các bộ môn, khối lớp trong nhà trường luôn được phát huy tối đa.
Sự tận tâm, tận lực của đội ngũ thầy cô giáo không chỉ làm nên truyền thống dạy tốt, học tốt cho nhà trường mà còn được bao thế hệ học trò trân trọng, để rồi có không ít học sinh của trường sau khi học tập từ ngôi trường THPT Vũng Tàu, đã thành danh và giữ những vị trí quan trọng trong xã hội. Một trong những người xuất thân từ mái trường THPT Vũng tàu đang nắm giữ cương vị lãnh đạo quan trọng của tỉnh là ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh. Ông Lĩnh chia sẻ: Được học tại trường THPT Vũng Tàu trong 3 năm (từ năm 1979 đến năm 1982) đối với tôi đó là niềm vinh dự và tự hào. Những kiến thức mà thầy cô truyền thụ trong suốt 3 năm học cũng như các hoạt động phong trào giúp rèn luyện nhân cách do nhà trường tổ chức trong suốt thời gian học đã giúp chúng tôi rất nhiều trong cuộc sống sau này”.
Em Đặng Trương Hiền Hòa, học sinh lớp 12TA1chia sẻ: Là học sinh của trường đối với bản thân em là một điều rất vui và rất đáng tự hào. Với phương thức dạy học thầy chủ đạo, trò chủ động, đã giúp chúng em phát huy hết khả năng tự học và tự nghiên cứu. Cơ sở vật chất của trường cũng được trang bị đầy đủ nên những bài học của chúng em được đi vào thực tế hơn, dễ tiếp thu hơn. Là học sinh của trường, chúng em hứa sẽ học tập thất tốt, rèn luyện thật tốt để trở thành người có ích cho xã hội và xứng đáng là học sinh của trường THPT Vũng Tàu.
Chủ động, tích cực, không ngừng nỗ lực, phấn đấu, hàng năm tỷ lệ học sinh lên lớp thẳng của trường THPT VT đều đạt 100%, trong đó học sinh được xếp loại học lực khá, giỏi chiếm gần 90%, có nhiều năm học chiếm trên 95%; tỉ lệ học sinh đậu tốt nghiệp lớp 12 của trường trong 12 năm trở lại đây liên tục đạt 100%, trong đó 70% học sinh đậu loại khá giỏi. Năm nào trường cũng có ít nhất 3 học sinh đạt giải quốc gia. Đặc biệt, hàng năm trường có trên 90% học sinh thi đậu các trường cao đẳng, đại học và được xếp trong Top 100 trường THPT có điểm thi đại học cao nhất nước.
Để chuẩn bị cho những bước đi xa hơn trong sự nghiệp đổi mới chất lượng giáo dục đào tạo, ông Vũ Thế Điệp, hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường đã xác định phải xây dựng đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn cao, tích cực đổi mới về phương pháp giảng dạy giúp đỡ học sinh một cách hiệu quả. Về kết quả học tập, trường đã đề ra chỉ tiêu phấn đấu để có 100% hs tốt nghiệp lớp 12, 70% hs đỗ ĐH theo nguyện vọng 1, giữ được trong top 100 trường THPT có điểm thi ĐH cao nhất toàn quốc.
Với những thành tích đạt được, nhiều năm liền Trường THPT Vũng Tàu được UBND tỉnh tặng “Lá cờ đầu bậc THPT”, “Đơn vị thi đua xuất sắc” và vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2003), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2008), được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giáo dục – Đào tạo tặng nhiều Bằng khen.
Mạnh Hiền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét